

CHU TRÌNH SINH SẢN CUA MA CÀ RỒNG
11/10/2024

Các chỉ số nước TDS, GH, PH, GH là gì?
Đã không ít lần cá nhân mình nói riêng và tại fan page nhà The Brothers Nature nói chung đã bắt gặp rất nhiều câu hỏi , nhiều thắc mắc của những bạn mới bắt đầu tìm hiểu và tập chơi bộ môn tép cảnh:
- Ủa anh ơi chơi nước máy được không?
- Châm khoáng là châm gì vậy anh? Rồi châm bao nhiêu?
- Mình đo TDS cao đủ rồi khỏi cần châm khoáng hả anh?
- Sao nhiều người chỉ đo TDS mà không đo GH đồ hả anh ?
- PH với KH là gì mà sao e thấy lùng bùng quá?
- ….
Rất rất nhiều câu hỏi đối với các bạn mới chuẩn bị thò chân vào bộ môn tép cảnh này, và chưa đâu, kể cả những người chơi lâu năm cũng lâu lâu bị hiểu lầm hoặc không cặn kẽ về các chỉ số quan trọng trong bể tép cảnh mình. Hôm nay với kinh nghiệm hơn 7 năm chơi tép cảnh với hàng ngàn hồ trong tay, mình thay mặt nhà The Brothers Nature sẽ đem đến cho các bạn một bài viết xúc tích, cặn kẽ và dễ hiểu nhất về các chỉ số trong bể tép cảnh.


TDS là gì?
Đây là chỉ số cơ bản nhất, đầu tiên nhất, dễ đo lường nhất và được nhắc đến nhiều nhất của bất cứ ai chơi tép cảnh. Cụ thể, TDS (Total Dissolved Solids) là chỉ số đo tổng lượng chất rắn hòa tan trong nước, thường được tính bằng đơn vị ppm (parts per million). Chỉ số này rất quan trọng trong hồ nuôi tép cảnh, vì nó phản ánh sự “giàu nghèo” của nước, tức là lượng khoáng chất, muối, và các chất hòa tan có trong nước – những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng sinh sản của tép.


Các hợp chất chính trong TDS bao gồm
- Khoáng chất tự nhiên:
- Canxi (Ca²⁺) và Magie (Mg²⁺): Hai thành phần chính ảnh hưởng đến độ cứng tổng (GH), cần thiết cho quá trình lột vỏ và phát triển vỏ tép.
- Kali (K⁺): Hỗ trợ sinh trưởng và cân bằng điện giải.
- Bicarbonate (HCO₃⁻):
- Là thành phần ảnh hưởng đến độ kiềm (KH), giúp ổn định pH của nước.
- Muối hòa tan:
- Natri Clorua (NaCl): Có thể xuất hiện ở mức thấp từ nước cấp hoặc muối khoáng bổ sung.
- Các muối vi lượng khác (như sunfat, phốt phát).
- Các chất thải hòa tan:
- Ammonia (NH₃/NH₄⁺), Nitrit (NO₂⁻), và Nitrat (NO₃⁻): Sản phẩm từ quá trình phân hủy thức ăn, chất thải của tép, hoặc lá cây mục rữa.
- Các chất phụ gia:
- Từ các loại khoáng bổ sung, phân nền, hoặc thức ăn đặc biệt.
Vai trò của TDS trong hồ tép cảnh


Như các bạn đã thấy, chỉ số TDS là tổng hòa của các chất có ở 5 mục trên, tuy nhiên con tép của chúng ta đa phần chỉ cần những khoáng chất nằm ở mục 1 (đa lượng, trừ Kali ra), do đó những thành phần nằm trong các mục 2, 3, 4, 5 là những thành phần không cần thiết những góp phần gia tăng vào chỉ số TDS. Để có thể kiểm soát chỉ số này và dễ đo lường, thông thường người ta sử dụng máy lọc nước RO (hay DI), để hết tất các các khoáng chất có trong nước, sau đó dùng các loại khoáng chuyên biệt cho tép cảnh ví dụ Khoáng Nutrafin chuyên tép cảnh (chỉ bao gồm Canxi (Ca²⁺) và Magie (Mg²⁺)) để nâng chỉ số TDS về mức mong muốn ứng với từng loại tép cảnh.


Đối với những bạn không có điều kiện mua máy lọc nước RO, các bạn có thể sử dụng nước bình (loại nước bình tinh khiết 20 lít), hoặc nước suối đóng chai sẵn (Chai 5 lít). Lưu ý không sử dụng các loại nước khoáng, và các bạn phải đo lường TDS của nước trước khi sử dụng.
Cũng bởi vì tính chất đo lường nhanh, chính xác, gọn lẹ và đặc biệt các công cụ đo khá rẻ, bảo quản dễ (bút đo TDS của Xiaomi) cho nên những người chơi chuyên nghiệp sau khi cho nước RO vào bể, họ sẽ biết chính xác thêm bao nhiêu khoáng chất để có được TDS, GH mong muốn. Một ví dụ cơ bản:
- Một hồ nuôi cơ bản trong trại của nhà The Brothers Nature sẽ có kích thước chuẩn 40x50x27cm (nước chỉ cao 25cm), thì thể tích của hồ này sẽ là 50 lít nước. Tại sao lại là 50 lít nước ???
- Toàn bộ trại đa phần sử dụng khoáng Khoáng Nutrafin chuyên tép cảnh cho các hồ nuôi của mình vì:
- Giá thành siêu rẻ
- Chất lượng đồng nhất
- Tính chất khoáng đc nắm rõ, ở đây ví dụ một hồ 50 lít sau khi cycle có TDS khoảng 10, thì chúng ta chỉ cần thêm 9ml khoáng Nutrafin vào, chúng ta sẽ có một hồ nuôi với TDS rơi vào khoảng 100ppm, GH giao động 3-4
- Vì tính chất này + hồ 50 lít nước giữ chúng ta rất dễ bảo trì định kì, ví dụ mỗi lần thay nước:
- Nếu thay 10%, châm 1ml
- Nếu thay 20%, châm 2ml
- …
- Khi đo TDS một hồ bất kì, nếu ví dụ đang ở ngưỡng 60ppm chẳng hạn, chỉ cần nhắm mắt thêm vào 4ml khoáng Nutrafin, bạn sẽ đo đc TDS của hồ ở mức 100ppm.
Vậy thì dựa vào từng loại khoáng đặc trưng, bạn có thể sẽ không cần các dụng cụ đo lường khác mà chỉ cần dựa vào bút đo TDS thì có thể biết được khoảng giá trị của những chỉ số khác ở mức tương đương, giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức trong quá trình chăm sóc bể tép cảnh của mình.
GH là gì?


Vậy thì sau khi biết được chỉ số TDS, thì tiếp theo các bạn có thể làm quen về chỉ số GH, có thể nói GH dùng để đo lường một tập con của chỉ số TDS. GH (General Hardness), hay còn gọi là độ cứng tổng, là chỉ số đo tổng lượng các ion canxi (Ca²⁺) và magie (Mg²⁺) hòa tan trong nước. Đây là yếu tố quan trọng đối với hồ nuôi tép cảnh, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lột vỏ, phát triển và sinh sản của tép.
Vai trò của GH trong hồ nuôi tép cảnh:
- Hỗ trợ quá trình lột vỏ:
- Canxi và magie là hai khoáng chất thiết yếu giúp tép hình thành lớp vỏ mới sau khi lột vỏ. Nếu thiếu các khoáng chất này, tép có thể gặp khó khăn trong việc lột vỏ, dễ dẫn đến stress hoặc tử vong.
- Cân bằng sinh lý:
- GH ảnh hưởng đến sự cân bằng áp suất thẩm thấu giữa cơ thể tép và môi trường nước. Mức độ GH phù hợp sẽ giúp tép duy trì sức khỏe và hoạt động bình thường.
- Hỗ trợ sinh sản:
- Tép cần một lượng khoáng chất ổn định trong nước để đảm bảo trứng phát triển khỏe mạnh và có tỷ lệ nở cao.
Chỉ số GH lý tưởng cho tép cảnh:
- Tép lạnh (Caridina): GH từ 3-4 là lý tưởng.
- Tép màu (Neocaridina): GH từ 4-8.
- Tép SulawesiL GH từ 6-8.
Cách đo và điều chỉnh GH:
- Đo GH: Sử dụng bộ test nước chuyên dụng (test kit GH) hoặc máy đo TDS để gián tiếp đánh giá tổng khoáng chất.
- Điều chỉnh GH:
- Tăng GH: Thêm khoáng chất chuyên dụng (ví dụ: Khoáng Nutrafin chuyên tép cảnh hoặc các sản phẩm bổ sung canxi, magie).
- Giảm GH: Sử dụng nước RO (nước tinh khiết) và pha khoáng theo nhu cầu để giảm lượng canxi và magie dư thừa.
Như đã nói ở trên, việc đo chỉ số GH có phần phức tạp hơn, cho nên người chơi chuyên nghiệp đa số sẽ đo lường một lần đầu tiên để biết được tính chất nước đầu vào, tính chất khoáng và sau đó họ sẽ dựa vào chỉ số TDS để suy ra chỉ số GH bởi vì 100% người chơi tép cảnh chuyên nghiệp luôn luôn sử dụng nước RO, cho đầu ra GH gần như bằng 0.
PH là gì?


pH là chỉ số đo độ axit hoặc kiềm của nước, biểu thị mức độ tập trung của ion H⁺ (hydro) trong nước. Giá trị pH được đo trên thang từ 0 đến 14:
- pH = 7: Nước trung tính.
- pH < 7: Nước có tính axit (nhiều H⁺ hơn).
- pH > 7: Nước có tính kiềm (ít H⁺, nhiều OH⁻ hơn).
Trong hồ nuôi tép cảnh, pH là một trong những chỉ số quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, quá trình trao đổi chất và sự phát triển của tép. Lưu ý, vì PH được tính theo thang Lôgarit cho nên cứ mỗi bậc PH, độ axit (hay ba-zo) sẽ nhiều/ít hơn bậc trước đó 10 lần. Ví dụ PH 4 sẽ có độ Axit nhiều hơn 10 lần so với PH 5.
Tầm quan trọng của pH trong hồ nuôi tép cảnh:
- Môi trường sống phù hợp:
- Mỗi loài tép có yêu cầu pH khác nhau. Ví dụ:
- Tép ong (Caridina): Cần môi trường nước hơi axit, pH từ 5.0-6.5.
- Tép thường (Neocaridina): Ưa môi trường trung tính đến hơi kiềm, pH từ 6.5-7.5.
- Tép Sulawesi: Ưa môi trường kiềm, PH từ 7.5-8.5
- Tác động đến vi sinh:
pH của nước có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và hoạt động của các chủng loại vi sinh trong hồ nuôi tép cảnh. Đây là yếu tố quan trọng để duy trì một hệ sinh thái ổn định, vì vi sinh vật đóng vai trò chính trong việc phân hủy chất hữu cơ, xử lý chất thải, và hỗ trợ chu trình nitơ. Tác động của pH thấp hoặc cao đến các chủng vi sinh cụ thể như sau:
pH thấp (axit, pH < 6.5):


- Vi khuẩn nitrat hóa (Nitrosomonas và Nitrobacter):
- Hoạt động của vi khuẩn xử lý ammonia (NH₃) và nitrit (NO₂⁻) bị chậm lại hoặc ngừng hoàn toàn ở pH dưới 6.0.
- Kết quả: Nồng độ ammonia và nitrit có thể tăng, gây độc cho tép.
- Vi khuẩn phân hủy chất hữu cơ:
- Một số vi khuẩn phân hủy hữu cơ (ví dụ: vi khuẩn Bacillus) vẫn hoạt động ở pH thấp, nhưng tốc độ bị giảm đi đáng kể.
- Lợi khuẩn yếm khí (Denitrifying bacteria):
- Vi khuẩn khử nitrat (NO₃⁻) thành khí nitơ (N₂) thường không bị ảnh hưởng mạnh bởi pH thấp, nhưng hiệu suất giảm khi pH xuống dưới 6.0.
- Nấm và vi khuẩn không mong muốn:
- Môi trường pH thấp tạo điều kiện cho một số loài nấm hoặc vi khuẩn có hại phát triển, làm tăng nguy cơ bệnh tật cho tép.
pH cao (kiềm, pH > 7.5):


- Vi khuẩn nitrat hóa:
- Nitrosomonas và Nitrobacter hoạt động mạnh nhất ở khoảng pH từ 7.0-8.0.
- Ở pH cao, tốc độ xử lý ammonia và nitrit tăng nhanh, nhưng đi kèm với rủi ro chuyển đổi nhiều ammonia tự do (NH₃) – một dạng rất độc cho tép.
- Vi khuẩn phân hủy chất hữu cơ:
- Hầu hết vi khuẩn hiếu khí và kỵ khí hoạt động tốt hơn ở pH trung tính đến kiềm nhẹ, nên môi trường pH cao (từ 7.0 trở lên) thúc đẩy quá trình phân hủy chất thải nhanh hơn.
- Vi khuẩn yếm khí:
- Quá trình khử nitrat có thể bị ảnh hưởng nhẹ ở pH cao, vì các vi khuẩn yếm khí thích môi trường trung tính hơn.
- Sự gia tăng vi sinh không mong muốn:
- pH cao có thể thúc đẩy sự phát triển của một số loại vi khuẩn gây hại, chẳng hạn như vi khuẩn lam (Cyanobacteria), gây mất cân bằng hệ sinh thái hồ.
Cân nhắc đặc biệt:
- pH thấp và vi sinh vật tạo biofilm:
- Nhiều loại vi sinh vật sống trên biofilm (bề mặt nền, đá, kính) vẫn có thể phát triển ở pH thấp. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn nitrat hóa hoạt động yếu, biofilm có thể chứa nhiều chất độc tích tụ.
- pH cao và hệ vi sinh:
- Mặc dù pH cao thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn nitrat hóa, nhưng mức độ độc của ammonia tự do (NH₃) tăng nhanh ở pH > 7.5, có thể vượt quá khả năng xử lý của hệ vi sinh.
Duy trì pH ổn định với giá trị phù hợp là chìa khóa để hệ vi sinh phát triển mạnh mẽ, đảm bảo môi trường sống tối ưu cho tép.
- Sức khỏe của tép:
- pH không ổn định hoặc không phù hợp có thể gây stress, giảm khả năng lột vỏ, sinh sản và thậm chí gây tử vong cho tép.
Yếu tố ảnh hưởng đến pH trong hồ:
- Phân nền: Một số loại phân nền như ADA hoặc Benibachi làm giảm pH, thích hợp cho tép ong.
- Nước cấp: Nguồn nước từ máy lọc, nước giếng hay nước RO có độ pH khác nhau.
- Hóa chất và phụ gia: Khoáng bổ sung hoặc các chất điều chỉnh pH có thể làm thay đổi môi trường nước.
Cách đo và điều chỉnh pH:
- Đo pH: Sử dụng bút đo pH điện tử hoặc dung dịch đo pH.
- Điều chỉnh pH:
- Tăng pH: Thêm đá khoáng (như san hô vụn) hoặc sử dụng dung dịch tăng pH.
- Giảm pH: Sử dụng phân nền hạ pH, lá bàng, hoặc dung dịch axit chuyên dụng.
Duy trì pH ổn định trong khoảng phù hợp sẽ giúp tép khỏe mạnh, ít stress và tăng khả năng sinh sản. Điều này đặc biệt quan trọng với những người mới bắt đầu chơi tép cảnh.
Lưu ý đặc biệt: Vì các dụng cụ đo PH là đo điện tích H+ do đó đầu điện cực rất nhạy cảm. Một số thiết bị rẻ tiền thường không có độ chính xác cao dẫn đến số liệu không đáng tinh cậy. Một số dụng cụ đắt tiền thì yêu cầu cách thức bảo quản rất đặc biệt, ví dụ sau khi đo xong chúng ta không được để khô và đậy nắp, mà thay vào đó phải nhúng đầu đo vào dung dịch bảo quản (thường là KCl) để tránh điện cực bị hư.
KH là gì?
KH (Carbonate Hardness), hay còn gọi là độ kiềm, là chỉ số đo khả năng của nước trong việc duy trì độ ổn định của pH. KH chủ yếu phản ánh nồng độ ion bicarbonate (HCO₃⁻) và carbonate (CO₃²⁻) trong nước. KH có vai trò quan trọng trong việc đệm pH, giữ cho pH không bị dao động quá mức, tạo môi trường ổn định cho các loài thủy sinh, đặc biệt là tép cảnh.
Tầm quan trọng của KH trong hồ nuôi tép:
- Ổn định pH: KH giúp đệm và ổn định pH của nước. Khi KH cao, nước có khả năng chống lại sự thay đổi đột ngột của pH do các tác nhân như phân nền, vi sinh vật hoặc các chất thải hữu cơ.
- Cung cấp khoáng chất: Ion bicarbonate và carbonate cung cấp khoáng chất cho tép và các sinh vật trong hồ.
- Chất lượng nước ổn định: KH ảnh hưởng đến việc giữ các chất độc hại như ammonia và nitrit ở mức thấp, giúp bảo vệ sức khỏe tép.
Sự thay đổi KH và tác động đến pH:
- Khi KH cao (ví dụ: KH = 8-12 dKH):
- Nước sẽ có khả năng đệm pH rất tốt, tức là pH sẽ không thay đổi mạnh mẽ khi có sự thay đổi về các yếu tố như thức ăn thừa hoặc chất thải.
- Ví dụ: Nếu pH trong hồ là 7.5 và KH cao (8-12 dKH), khi thêm axit vào hồ (như khi cây thủy sinh phát triển hoặc khi pH bị giảm bởi các yếu tố tự nhiên), pH sẽ không giảm đột ngột. Điều này rất quan trọng khi nuôi các loài tép cần sự ổn định pH, như tép Neocaridina hoặc tép Sulawesi.
- Khi KH thấp (ví dụ: KH = 1-3 dKH):
- Nước sẽ không có khả năng đệm pH tốt, tức là pH có thể thay đổi mạnh khi có sự thay đổi về các yếu tố bên ngoài, ví dụ như sự gia tăng của axit từ vi sinh vật hoặc từ quá trình phân hủy chất thải.
- Ví dụ: Nếu pH trong hồ là 7.5 và KH thấp (1-3 dKH), khi có sự thay đổi nhỏ về môi trường (như sự tăng trưởng vi sinh vật hoặc thêm một lượng nhỏ axit), pH có thể giảm xuống rất nhanh, thậm chí dưới 6.5, gây stress hoặc nguy hiểm cho tép, đặc biệt là tép cần pH ổn định như tép Sulawesi.
Mối quan hệ giữa KH và pH:
- KH cao: Giúp pH ổn định hơn và không thay đổi nhiều trong những điều kiện thay đổi của môi trường. Điều này giúp tạo một môi trường sống ổn định cho tép, giúp chúng giảm thiểu stress và phát triển tốt.
- KH thấp: Làm cho pH dễ dao động, gây khó khăn trong việc duy trì sự ổn định của môi trường nước, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của tép.
Cách điều chỉnh KH:
- Tăng KH: Bạn có thể bổ sung các chất như san hô vụn, vôi hoặc khoáng chất bổ sung vào hồ để tăng độ kiềm.
- Giảm KH: Sử dụng nước RO (nước tinh khiết) hoặc thêm các sản phẩm hạ độ kiềm nếu bạn cần giảm KH cho hồ tép yêu cầu nước mềm.
The Brothers Nature sẽ có một bài viết chuyên sâu hơn về các loại nền ảnh hưởng đến chỉ số KH, PH đặc biệt cho việc nuôi Sulawesi.